25/2/12

Ai thắng, ai thua trong cuộc chiến truyền hình? Kỳ 3

Kỳ 3: Hệ quả của “cuộc chiến”

Như vậy, đến thời điểm này của “cuộc chiến”, VPF không quyết liệt giành cho bằng được hợp đồng nữa, thay vào đó, họ ép AVG vào thế phải từ bỏ hợp đồng. Đấy là đòn “hiểm” của các ông bầu VPF trước lúc họ tung đòn knock-out khi tuyên bố có VTV sẵn sàng mua lại hợp đồng ấy với giá gấp 3 lần AVG.
Lợi thế đang nghiêng về VPF? Ảnh: Quang Thắng
  • AVG đang đứng ở đâu?
Cũng cần phải khẳng định ngay: “Cuộc chiến” vẫn chưa kết thúc và hiện tại AVG vẫn đang giữ toàn quyền quyết định về bản quyền truyền hình (BQTH). Nhưng, vậy mới khổ!

Muốn biết AVG đang “khổ”như thế nào, phải quay về nguyên nhân họ ký hợp đồng độc quyền 20 năm với VFF. Sáu tỷ đồng đối với VFF là nhiều nhưng với AVG chẳng là cái gì cả nếu như so với việc được độc quyền để phát trên hệ thống truyền hình của mình như kiểu K+ và giải Ngoại hạng Anh. AVG chưa bao giờ quan tâm đến lợi tức từ tiền bản quyền, thế nên không khó hiểu khi buổi họp báo hôm 20-2, họ tuyên bố sẵn sàng tặng 100% lợi nhuận cho các Liên đoàn thể thao.


Nhưng bây giờ thì AVG khó có thể độc quyền một cách đúng nghĩa được nữa sau cuộc chiến mà VPF cố tình tạo ra. Họ vẫn có thể “ép” các đài khác không thể phát sóng V-League nếu nâng giá bản quyền cao lên và lúc đó, đương nhiên chỉ có các kênh của AVG truyền hình trực tiếp. Nhưng làm như vậy, AVG sẽ đối diện với một “vụ K+” thứ 2. “Vụ K+” đã từng làm dư luận nổi điên nhưng dù sao, đấy cũng là bóng đá nước ngoài. Nay, nếu buộc phải mua đầu thu để xem V-League trên các kênh của AVG, thử nghĩ sự tức giận của người hâm mộ sẽ lên đến đâu?

Vấn đề nằm ở chỗ, bản thân AVG hiện cũng không thể nâng giá bản quyền lên để ép các nhà đài phải ngưng phát sóng sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đặt lợi ích phục vụ người hâm mộ lên cao nhất. Làm gì thì làm, V-League vẫn phải giữ cho được tần suất phát sóng như hiện nay. Nghĩa là “độc quyền phát sóng” chỉ là giấc mơ của AVG, ít nhất là trong tương lai gần.

Trong một hoàn cảnh như vậy, nếu là bạn, liệu có khư khư giữ cho được BQTH để rồi hàng tuần phải “làm công không” cho người khác mà tiền thu chỉ là “hữu hão”?! Bạn chỉ có thể làm điều đó trong suốt 20 năm nữa nếu quá thừa tiền để làm từ thiện khi mà chẳng biết đến bao giờ, BQTH mới bán đúng giá.

Chưa biết AVG có “độc chiêu” gì để thoát khỏi tình cảnh này không, nhưng trước mắt chỉ có 3 giải pháp: Thứ nhất, AVG “liều mình” đối đầu với dư luận để độc quyền các trận hay nhất trên kênh của mình, nhường phần “xương xẩu” cho các đài còn lại. Thứ hai, họ vẫn tiếp tục hợp đồng nhưng không độc quyền phát sóng, thay vào đó, thỏa thuận với các đài để tìm kiếm lợi nhuận từ quảng cáo, tài trợ. Thứ ba là kết thúc hợp đồng.

Nhưng như đã đề cập, nếu mục đích tối thượng của AVG khi mua độc quyền là để phát triển hệ thống đầu thu thì đến lúc này, họ đã không đạt được. Vậy nên, giải pháp thứ 3 là thức thời nhất. Phải chăng vì vậy mà VPF mới tung đòn knock-out để mở đường thoát cho AVG.
  • “Trò mèo” của VPF?
Đây là chữ dùng của Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ trong lúc bực bội ở buổi họp báo hôm 20-2. Ý của ông Vũ là gì?

Ở kỳ 1 của chuyên đề này, chúng tôi đã đưa ra con số tròm trèm 2 tỷ đồng mà các CLB có thể bỏ ra để được phát sóng trận đấu trên truyền hình trước đây. Hiện tại, V-League đang có hơn 11 đội bóng do doanh nghiệp sở hữu, nghĩa là sẽ có 22 tỷ đồng chi cho truyền hình mỗi năm. Đây phải chăng là con số mà bầu Kiên đưa ra trong phi vụ 76 tỷ/3 mùa để “ép” AVG phải nhượng lại bản quyền!

Hãy làm một phép tính đơn giản: Có AVG thì tổng cộng các CLB sẽ được chia lại khoảng 2 tỷ đồng BQTH/năm từ VFF, nhưng lại không có sự chủ động về truyền hình. Không có AVG, mỗi CLB sẽ bỏ ra khoảng 2 tỷ như trước kia nhưng đổi lại, họ được VTV hỗ trợ trọn gói cộng thêm các lợi tức từ quảng cáo.

Nhưng cái mà Chủ tịch AVG gọi là “trò mèo” thật ra cũng chỉ là một phương thức kinh doanh đơn giản. Thứ nhất: VPF sẽ thỏa thuận với VTV để đề nghị đài này giúp họ có đủ sóng các trận đấu. Việc này đối với VTV quá đơn giản do hệ thống ngành dọc của truyền hình Việt Nam. Đổi lại, VTV sẽ không phải mất tiền mua bản quyền (nếu còn AVG). Số tiền 76 tỷ/3 mùa là của VPF đóng vào thông qua quảng cáo. Kế đến: VPF sẽ lấy lại 76 tỷ này bằng cách bán quảng cáo để lấy tiền trả lại cho CLB. Nếu VPF bán quảng cáo tốt, vượt quá 22 tỷ/năm, họ thậm chí còn đem lại lợi tức cho chính VTV lẫn CLB của mình mà các bên chẳng phải mất một đồng nào.

Với phép tính này, VPF không hề thiệt hại gì bởi ngay cả khi không thể bán được quảng cáo, số tiền họ đưa cho VTV cũng không nhiều hơn những gì họ đã phải chi “bồi dưỡng truyền hình” trước khi có AVG. Với một nền tảng như vậy, chẳng khó lý giải tại sao VPF quyết liệt trong “cuộc chiến truyền hình” mà nếu không thắng, họ cũng chẳng thua.
  • “Cuộc chiến" còn gì nữa?
Trong cuộc chiến này, là người chủ động khơi mào nhưng theo nhận định của chúng tôi, VPF sẽ không phải cố gắng vô hiệu hóa hợp đồng VFF-AVG bằng mọi giá bởi họ hiểu rằng, hợp đồng ấy không có gì sai. Ngay ở thời điểm này, họ cũng chẳng quan tâm đến chuyện AVG có từ bỏ hợp đồng hay không bởi như đã phân tích, 90% mục đích của VPF đã thành công khi các trận đấu lên sóng dày đặc mà họ vẫn có ít tiền. Tuy nhiên, với diễn biến của “cuộc chiến”, nhiều khả năng AVG phải tự bỏ hợp đồng vì họ không thể cứ “vác tù và hàng tổng” cho VTV cũng như các đài địa phương hết tuần này sang tuần nó mà không bán được đầu thu nhờ V-League.

Dưới góc độ kinh doanh, nếu vẫn quyết tâm theo đuổi hợp đồng thì AVG cũng có lúc sẽ thu lợi từ việc bán bản quyền (đặc biệt là các trận đấu của đội tuyển quốc gia). Vấn đề là chẳng biết khi nào mới có lợi nhuận mà nếu có thì cũng đã tặng hết cho VFF theo cam kết. Đã làm kinh doanh, người ta không tiếc tiền đầu tư, chỉ tiếc là mục đích không đạt được.

Vì thế, phải có cái gì đặc biệt lắm mới khiến AVG theo đuổi hợp đồng đến cùng. Nhưng dù như vậy, trước những chiêu trò của các ông bầu tại VPF, chắc gì AVG đã được yên… 
Hồ Việt  (sggp.org.vn)
“Trò” của VPF không phải là... "mèo"
Theo đơn giá quảng cáo hiện hành trên VTV từ 16 giờ đến 19 giờ, tính trung bình các kênh thì vào khoảng 10 triệu đồng cho một spot 15 giây quảng cáo. Mỗi trận đấu có khoảng 15 phút quảng cáo thì sẽ có 60 spot, vị chi là 600 triệu đồng/trận. Chỉ cần bán quảng cáo đủ 50 trận/mùa thì đã thu được 30 tỷ đồng. Hiện nay, mỗi tuần VTV2, VTV3 phát sóng 3-4 trận. Như vậy, chỉ riêng việc bán quảng cáo trên VTV thôi cũng đã đủ bù đắp chi phí mua bản quyền.

Tất nhiên, nếu chỉ VTV bán quảng cáo thì đây là nhiệm vụ rất khó khăn bởi từ trước đến nay, họ thu khá ít. Nhưng xin nhớ rằng, với các mối quan hệ rộng rãi như các doanh nhân ở VPF, họ có thể thu được số tiền quảng cáo còn cao hơn đó rất nhiều, đấy là chưa nói, bản thân các doanh nghiệp của các ông bầu VPF cũng có nhu cầu quảng cáo trên VTV. Mỗi ông bầu tại VPF, hiện thời không có dưới 10 thương hiệu để quảng bá. Mỗi năm, họ đã chi hàng trăm tỷ cho quảng cáo ngoài bóng đá …
Thông tin liên quan:
>> Kỳ 2: Chưa kết thúc, nhưng VPF đã thắng "Cuộc chiến"

Ai thắng, ai thua trong cuộc chiến truyền hình? Kỳ 3 Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Cộng đồng Lịch sử Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét