1/3/12

Bỏ hàng ngàn tỷ xây trường vẫn bị “chê”

(SN-MS)- “Khối trường ngoài công lập từ mẫu giáo đến đại học, thu hút xã hội hóa giáo dục với nguồn vốn đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường ĐH ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ phá sản vì thiếu người học”.

Nhiều thí sinh không mặn mà với trường ĐH, CĐ ngoài công lập.
Đó là ý kiến của GS Đặng Ứng Vận, hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình, tại hội thảo “Đổi mới và phát triển hệ thống các trường ngoài công lập ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Trường ĐH Hòa Bình, Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức ngày 29/2.
Khó khăn chồng chất
Theo thống kê của Bộ GD và ĐT, năm học 2010 - 2011 cả nước có 4.097 trường mầm non, 444 trường phổ thông, 91 trường trung cấp chuyên nghiệp, 30 trường cao đẳng và 50 trường đại học ngoài công lập (NCL). Hệ thống các trường NCL đã đóng góp khoảng 20% tổng số trường cũng như số học sinh, sinh viên trên cả nước. Hệ thống trường đã góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng GD và ĐT. Tuy nhiên, việc phát triển hệ thống trường NCL hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc từ cơ chế chính sách đến việc thực hiện của mỗi cơ sở đào tạo.
GS.TS Đặng Ứng Vận, hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình, cho biết: “Nếu so với ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục thì khối NCL đã thu hút xã hội hóa với nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này tương đương 10.000 tỷ đồng. Xét về quy mô đào tạo cũng như nguồn vốn đầu tư thì vai trò của khối NCL là rất đáng kể. Trong khi giáo dục bị phê phán nặng nề, đặc biệt là khu vực NCL, nhiều giải pháp đổi mới, nhiều thử nghiệm đã được thực hiện từ mô hình, nội dung chương trình... Tình hình không nói là xấu đi nhưng những đổi mới này chưa tạo ra được những chuyển biến tích cực để xã hội yên tâm”.
Chỉ rõ hơn về hoạt động của các trường ĐH NCL, GS Hoàng Xuân Sính, Trường ĐH Thăng Long, cho rằng: “Với mức đầu từ mở trường trung bình 200 tỷ đồng nhưng chỉ để xây dựng được một ngôi trường đơn sơ với ký túc xá đã mất gần hết số tiền này, chưa kể tiền đền bù đất và đầu tư thiết bị dạy học... trong khi lãi suất các trường phải chịu là 21%. Khó khăn về tuyển đầu vào lại càng hạn chế hoạt động của các trường khi thiếu nguồn thu. Hoạt động không hiệu quả, với nguyên nhân chủ quan cùng nhiều nguyên nhân khách quan đang khiến cho hệ thống này lo lắng khi chưa tạo được những biến chuyển thực sự và đồng thời khiến cho nguồn vốn xã hội đầu tư cho hệ thống này không được sử dụng hiệu quả”.
Đồng quan điểm, GS Đặng Ứng Vận cho hay, nếu tiếp tục để các trường công, trường trọng điểm có quyền lấy tới điểm sàn thì đồng nghĩa với việc chiếm hết thị phần trường tư. Nếu không phân tầng kèm theo khống chế chất lượng đầu vào để tránh tình trạng trường trọng điểm cũng tuyển thí sinh đến điểm sàn thì mọi cố gắng của trường tư đều vô ích, đầu tư trọng điểm của nhà nước cũng lãng phí.
GS.TSKH Phạm Sỹ Tiến, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, nêu thực tế: “Nhiều trường NCL được thành lập khi chưa đủ điều kiện, chưa có cơ cấu ngành nghề đào tạo hợp lý, chỉ chú trọng đào tạo liên thông, nhất là liên thông từ trung cấp lên đại học phát triển quá mức cho nên chất lượng hạn chế. Mặt khác, việc nhìn nhận, quan niệm về trường NCL hiện nay còn chưa rõ ràng, tình trạng đánh giá thấp trường NCL còn phổ biến. Nhất là việc nhìn nhận các trường NCL là nơi kinh doanh vì lợi nhuận, giảm nhẹ chất lượng nhằm có nhiều sinh viên để có nhiều tiền. Việc xem xét cho thành lập các trường NCL hiện nay còn mập mờ, thể hiện cơ chế xin - cho khá rõ”.
Hai sứ mệnh chưa được làm tốt
GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch hiệp hội các trường đại học, cao đẳng NCL cho biết: “Ngay từ khi đề ra chủ trương xây dựng các trường NCL đã có hai sứ mệnh là: huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, hình thành các cơ sở đào tạo đồng hành với các trường công lập để phát triển mạnh mẽ nền giáo dục đại học Việt Nam; bằng cơ chế tự chủ cao và phải tự lực cánh sinh, xây dựng mô hình quản lý năng động, hiệu quả hơn so với cơ chế quản lý gò bó, trì trệ ở các trường công lập. Tuy nhiên, từ khi trường đại học NCL đầu tiên ra đời đến nay, cả hai sứ mạng trên đều chưa được làm tốt". 
"Với người học, hiện nhà nước bao cấp cho sinh viên công lập trên dưới 70% chi phí đào tạo. Tại sao sinh viên ngoài công lập khi ra trường trách nhiệm và nghĩa vụ cũng giống như công lập thì vì sao không được phần bao cấp đó? Họ phải chịu 100% chi phí đào tạo, thậm chí chịu cả thuế doanh thu của trường được bổ đầu vào học phí trong khi tỷ lệ sinh viên NCL phần lớn là ở nông thôn, là người khó khăn” - ông Quân ngao ngán than.
TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học cao đẳng NCL, đề nghị: “Nhà nước cấn sớm làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất lợi nhuận và phi lợi nhuận và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học. Cần có chủ trương thực sự khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học không vì lợi nhuận. Để làm được điều này cần xác định, những cơ sở giáo dục đại học nghiêm túc chịu sự kiểm toán tài chính và kiểm định chất lượng để được Nhà nước công nhận là tổ chức không vì lợi nhuận thì mới được hưởng ưu đãi”.
Cùng quan điểm, PGS.TS Trần Quốc Toản cho rằng: “Nếu không có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước và kiểm soát của xã hội đối với các hoạt động của cơ sở giáo dục và đào tạo vì lợi nhuận có thể sẽ dẫn đến sự sai lệch trong mục tiêu giáo dục vì chạy theo lợi nhuận. Trong khi đó mục tiêu nền tảng của giáo dục và đào tạo phải là giáo dục và đào tạo, không phải là vì kiếm tiền, do đó chức năng, bản chất của nhà trường có thể mâu thuẫn với việc thực hiện lợi nhuận”.
Trước các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận, sau 25 năm hình thành và phát triển, hiện nay hệ thống giáo dục NCL đóng góp khoảng 20% số trường và số học sinh trên toàn quốc. Tuy nhiên, thực tế, hệ thống trường NCL còn thiếu những quy phạm pháp luật để điều chỉnh hoạt động nên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển. Từ trước tới nay chưa có cơ chế rõ ràng nên các trường không vì lợi nhuận có nhiều thiệt thòi. Sự công bằng giữa trường công và trường tư mới chỉ được bảo đảm trong chuyên môn, còn cơ chế tài chính còn có sự khác biệt giữa đầu tư nhà nước và đầu tư tư nhân. Về lâu dài, vấn đề này sẽ được xem xét, điều chỉnh để bảo đảm công bằng cho sinh viên các trường NCL. Hiện Bộ GD- ĐT xây dựng dự thảo Luật Giáo dục đại học trình Quốc hội cho ý kiến lần một và đang quá trình hoàn thiện về vấn đề này”.
Hồng Hạnh (dantri.vn)

Bỏ hàng ngàn tỷ xây trường vẫn bị “chê” Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Cộng đồng Lịch sử Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét