29/2/12

Mất tiền oan ở phòng khám “ngoại”

(SN-MS)- Bệnh nhẹ bị bác sĩ dọa thành nghiêm trọng khiến bệnh nhân phải "theo lao” với những khoản chi phí khổng lồ.

 
Phòng khám đa khoa Maria - Ảnh: Lê Quân
Đây là bức xúc từ một số người bệnh đến Báo Thanh Niên phản ánh về Phòng khám (PK) đa khoa Maria tại số 65-67 Thái Thịnh, TP.Hà Nội.
“Không có bệnh vẫn phải đốt để ngăn ngừa”
Chị Nguyễn T.M.H (23 tuổi, ở Hải Dương) kể: Vào tháng 6.2011, sau khi bị sẩy thai, hai vợ chồng chị xem quảng cáo trên ti vi đã đến PK Maria để khám bệnh. Tại đây, sau khi xét nghiệm máu và dịch hết 2,4 triệu đồng, bác sĩ (BS) thông báo: “Cả hai vợ chồng đều có vi rút HPV gây ra chứng sùi mào gà. Bị nhiễm bệnh này thì người bệnh không thể có con, không chữa còn gây ung thư hoặc tiếp tục bị sảy thai lần nữa”. “Hỏi về chi phí thì họ nói không tốn kém lắm. Họ cũng tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh ngoại tỉnh của vợ chồng chúng tôi nên nói rõ là ở nơi khác chi phí đốt một nốt nhỏ là 100.000đ, còn tôi có nhiều nốt nên chỉ tính tiền vết sùi to, không tính vết nhỏ”, chị H. kể tiếp.
Cuối tháng 6.2011, chị H. bắt đầu đến PK Maria để điều trị và thanh toán hết 15 triệu đồng. Chồng chị H., dù không có biểu hiện sùi mào gà nhưng BS vẫn yêu cầu phẫu thuật vì “chồng có sức khỏe tốt nên không có biểu hiện bệnh nhưng vẫn phải đốt để ngăn ngừa”.
 
Một số hóa đơn thanh toán điều trị bệnh do chị H. cung cấp cho Báo Thanh Niên - Ảnh: Thái Sơn
Những tưởng mất khoản tiền nói trên thì sẽ hết bệnh, ai ngờ...  “Sau khi phẫu thuật, BS yêu cầu chúng tôi phải làm tiếp các liệu trình điều trị chống tái phát. Còn chồng tôi phải truyền dịch, rửa và thay băng với những khoản chi phí khủng khiếp”, chị H. cho biết. Và sau 18 lần điều trị, chị H. phải trả khoản tiền lên tới trên 110 triệu đồng, còn chồng chị hết 35 triệu đồng.
Việc bệnh nhân phẫu thuật và điều trị sau phẫu thuật là phải trả tiền cho các gói dịch vụ khác nhau, có thể do phiên dịch lời BS là người nước ngoài không rõ ràng nên gây ra hiểu lầm cho bệnh nhân
Bà Nguyễn Thanh VânPhó giám đốc phụ trách đối ngoại của Phòng khám Maria
“Chúng tôi định bỏ cuộc thì BS tại đây nói nếu bỏ thì bệnh tái phát, nên chúng tôi buộc phải theo”, chị H. kể. Sau khi kết thúc đợt điều trị, BS lại yêu cầu kiêng cữ nhiều thứ, sau 6 tháng mới được có thai và đến tái khám. Khoảng 5 tháng sau, chị H. tái khám thì được các BS cho biết tiếp tục có vết sùi và phải điều trị tiếp. Đến lúc này thì chị H. đành phải "bỏ của chạy lấy người". “Để có tiền chữa trị, mẹ đẻ tôi đã phải vay nặng lãi. Lúc vay 100 triệu đồng, khi trả thành 200 triệu đồng. PK nói tôi không thể sinh con đã khiến tôi bị gia đình chồng xa lánh. Cũng vì điều đó mà vợ chồng tôi ly thân, anh ấy vào sống tại miền Nam nhiều tháng nay không còn liên lạc”, chị H. ôm mặt nức nở. 
Điều bất ngờ là trong hai lần khám tại Bệnh viện Đại học Y, lần khám mới nhất là ngày 1.2, chị H. được thông báo không có bệnh sùi mào gà, tử cung bình thường và hoàn toàn có khả năng sinh con.
Tương tự, phản ánh của gia đình anh T.C.T (25 tuổi, ngụ P.Quan Nhân, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho thấy sự bất thường ở PK này. Cụ thể, sau khi trả hơn 11,5 triệu đồng để điều trị bệnh trĩ, anh T. chẳng những không khỏi bệnh mà còn biến chứng nặng hơn và phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. “Chúng tôi đã nhiều lần đến PK khiếu nại nhưng thái độ họ rất tắc trách”, bà Thước, mẹ anh T. bức xúc.
Phiên dịch nhầm nên lấy tiền cắt cổ?
Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Trần Văn Thuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, cho biết bệnh sùi mào gà (HPV) là một trong những bệnh lây truyền theo đường tình dục. “Bệnh HPV có thể gây ra nguy cơ ung thư tử cung nhưng không phải ai bị nhiễm cũng bị ung thư. Tôi chưa từng nghe thấy trường hợp nào bị HPV có thể gây ra bệnh vô sinh hoặc sẩy thai”, ông Thuấn nói. Theo tìm hiểu của PV, tại Viện Da liễu T.Ư, trung bình điều trị sùi mào gà cả đốt và thuốc sử dụng sau đốt hết 1,5-2 triệu đồng.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Vân, Phó giám đốc phụ trách đối ngoại của PK Maria, cho rằng các trường hợp nói trên “không đến khiếu nại” nên PK không biết. “Việc bệnh nhân phẫu thuật và điều trị sau phẫu thuật là phải trả tiền cho các gói dịch vụ khác nhau, có thể do phiên dịch lời BS là người nước ngoài không rõ ràng nên gây ra hiểu lầm cho bệnh nhân”, bà Vân giải thích. Theo bà Vân, các BS ngoại tại đây là người Đài Loan và hiện PK đã chấm dứt hợp đồng với họ nên cũng không thể đề cập cụ thể từng trường hợp bệnh nhân. “Từ tháng 9 năm ngoái, PK đã họp và thống nhất giảm phí điều trị xuống còn 1/3 so với trước đây, các bệnh nhân mà báo phản ánh đều điều trị trước thời điểm này”, bà Vân nói. Về nguyên nhân điều chỉnh giá, theo bà Vân là khi mới thành lập PK chưa đánh giá đúng thị trường nên phải điều chỉnh. “Đối với trường hợp khiếu nại, chúng tôi sẽ liên lạc gặp gỡ và xử lý”, bà Vân hứa hẹn.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết trong năm 2011, PK Maria đã 2 lần bị xử phạt do BS hành nghề khi chưa có giấy phép và nội dung quảng cáo chưa được phê duyệt.
Nam Sơn - Thái Sơn (thanhnien.vn)

Mất tiền oan ở phòng khám “ngoại” Rating: 4.5 Diposkan Oleh: Cộng đồng Lịch sử Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét